Thứ hai ngày 19/10/1987 là một ký ức đen tối của những người chơi cổ phiếu tại nước Mỹ. Chỉ trong một ngày chỉ số Dow Jones tụt 508,32 điểm, mọi cố gắng nhằm làm cho nó ổn định lại đều thất bại, khiến cho thị trường chứng khoán của Mỹ rơi vào trạng thái đóng băng. Đây là “ngày tồi tệ nhất trong lịch sử phố Wall”. Chịu ảnh hưởng từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán của Mỹ, hàng loạt thị trường chứng khoán của London, Tokyo, Sydney, Hong Kong, Singapore đều thi nhau tụt giảm. “Tai họa năm 1929 đã thật sự trở lại?”, nỗi sợ hãi tột độ như loại virus nhanh chóng lan truyền từ người này tới người khác. Cảnh tượng ngày nào đang tái hiện trước mắt mọi người, rất nhiều nhà tỷ phú bỗng chốc biến thành những kẻ nghèo kiết xác, tinh thần suy sụp, tin tức về các vụ tự sát không ngừng được thông báo.
Khác với phong trào chơi cổ phiếu toàn dân như năm 1929, sự khủng hoảng lần này không có sự đầu cơ điên cuồng mang tính toàn dân, thế nhưng trước khi cuộc khủng hoảng này xảy ra, thị trường chứng khoán phố Wall cũng đã chứng kiến tình trạng mua bán cổ phiếu ào ạt của những người đầu cơ ngắn hạn. Từ thập niên 1970 đến 1980, nền kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng. Bắt đầu từ năm 1982, chỉ số chứng khoán không ngừng tăng nhanh, đến năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ đã ở vào tình trạng “nóng nhất”, chỉ số cổ phiếu cao đã hấp dẫn ngày càng nhiều người tham gia chơi, những người này đều đến để kiếm lời, họ không ngừng đưa giá cổ phiếu lên cao ngất ngưởng, một quả bong bóng vô thực lại được tạo ra. Cũng như năm 1929, quả bong bóng được sinh ra trong giai đoạn quá độ sẽ có ngày phải vỡ tan.
Và cái ngày 19/10 cuối cùng cũng giáng xuống. Ngày hôm đó, trên tất cả các sàn giao dịch chứng khoán của New York bao trùm một bầu không khí căng thẳng và u ám. Các loại cổ phiếu thi nhau rớt giá. Giá cổ phiếu biến động đã khiến cho các máy điện thoại liên lạc không còn đủ để sử dụng, tốc độ hiển thị trên màn hình máy tính không theo kịp sự thay đổi thực tế trên thị trường. Tờ New York Times với các tít “Tất cả ngoài tầm kiểm soát” đã thể hiện được sự bất lực và sự sợ hãi tột cùng của những người đầu cơ.
Cũng trong ngày hôm đó, tỷ phú số 1 thế giới Sam Wolton đã mất trắng 2,1 tỷ USD, cùng với đó mất ngay ngôi số 1. Càng thảm hại hơn là những người dân đã quăng tất cả tài sản tích cóp cả đời của mình vào cổ phiếu, họ những mong mình và gia đình sẽ có được những chiếc xe Ford sang trọng và nổi tiếng nhờ thị trường cổ phiếu, hoặc một số người khiêm tốn hơn chỉ mong kiếm được chút tiền dưỡng già… Thế nhưng chỉ trong một ngày, bao mơ ước, bao công sức của họ đã vỡ tan theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Có điều cuộc khủng hoảng lần này còn may mắn hơn cuộc khủng hoảng năm 1929, bởi vào lúc này nền kinh tế của Mỹ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh, cuộc khủng hoảng lần này xét ở tầm vĩ mô chỉ là một sự điều chỉnh đối với các hoạt động đầu cơ, do đó không dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn bộ nền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy, không lâu sau lần cổ phiếu tụt giá khủng khiếp này, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng ổn định trở lại. Thế nhưng, cú sốc của nó đối với nền kinh tế nước Mỹ cũng không phải là nhỏ khi để lại hệ quả là nền kinh tế nước này bị đình trệ trong một khoảng thời gian khá dài.
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại website này. Đồng thời bạn có thể THAM GIA NHÓM THẢO LUẬN của chúng tôi để thảo luận thêm về những gì bạn đang quan tâm.
![]() | ![]() |