• About us
  • Kinh Nghiệm Crypto
  • Crypto Trading
  • Crypto Trending
  • Newbie
  • Bitcoin

Bitcoin Vietnam News

Tin tức Bitcoin, Blockchain và tiền điện tử mới nhất mỗi ngày

Rửa tiền là gì? Những thủ đoạn và hình phạt cho tội rửa tiền

Bitcoin Vietnam News 14/01/2021

Nếu bạn từng xem qua các bộ phim hình sự của Hồng Kông thì ít nhất một lần nghe thấy thuật ngữ “rửa tiền”. Nó không đơn thuần là việc mang 1 đống tiền bỏ vào máy giặt và rửa, đó là một trong những hoạt động phạm pháp khá phổ biến trong giới tội phạm. Trong bài viết này, hãy cùng Bitcoin Vietnam News khám phá xem hoạt động rửa tiền là gì nhé.

Nội dung bài viết ẩn
1. Rửa tiền là gì?
2. Đối tượng rửa tiền
3. Quy trình rửa tiền
4. Những thủ đoạn rửa tiền
5. Luật phòng chống rửa tiền tại Việt Nam
6. Mức hình phạt cho tội rửa tiền tại Việt Nam
7. Chính sách phòng chống rửa tiền ở các nước khác
7.1. Hàn Quốc
7.2. Nhật Bản
7.3. Anh
7.4. Mỹ
8. Kết luận

Rửa tiền là gì?

Rửa tiền là toàn bộ các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tài sản hay tiền bẩn có nguồn gốc từ tội phạm. Số tiền này thường không bị đánh thuế do được tạo ra trong những hoạt động kinh tế ngầm và người tạo ra thường có mục đích che giấu chúng.

Hoạt động rửa tiền có vẻ như vô hại nhưng kỳ thực đó là loại hoạt động có tổ chức và vô cùng nguy hiểm. Bởi rửa tiền vừa là công cụ vừa là động lực của các tổ chức tội phạm. Khi tiền bẩn được “đem rửa” thì có nghĩa là trước đó đã xảy ra các hoạt động phạm pháp. Tiền có rửa được thì các băng nhóm tội phạm mới tồn tại được và càng lao vào phạm tội để kiếm tiền bất hợp pháp. Rửa tiền là khâu cuối cùng và quan trọng nhất trong những hoạt động phạm pháp nhằm đem lại những tài khoản kếch xù.

Đối tượng rửa tiền

Những người có hành vi rửa tiền thường là những người thực hiện hành vi phi pháp liên quan đến kinh tế, được chia thành những nhóm chính như sau:

  • Các tổ chức khủng bố
  • Những người thực hiện hành vi buôn lậu ( ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp)
  • Các đối tượng tham nhũng
  • Các đối tượng trốn thuế và muốn che giấu thu nhập

Trong nhiều trường hợp, các nhóm đối tượng trên có những điểm tương đồng và có thể liên kết với nhau. Ví dụ như các doanh nghiệp hay cá nhân thực hiện buôn lậu có thể dành một khoản tiền đút lót cho quan chức để che giấu những hành vi rửa tiền phạm pháp. Hay những hoạt động trốn thuế, tham nhũng lũng đoạn cần có hệ thống rửa tiền để hợp pháp hóa các khoản tiền đó, vì vậy họ cấu kết với những tội phạm chuyên nghiệp hoặc dựng lên những công ty ma.

Quy trình rửa tiền

Các thủ đoạn rửa tiền ngày càng đa dạng, tinh vi và có tổ chức hơn nhằm “qua mặt” các cơ quan chức năng. Thông thường, tiền được tẩy rửa qua ba bước như sau:

Bước 1: Người rửa tiền sẽ tìm cách che giấu khoản tiền bẩn trong một cơ quan, tổ chức để hợp pháp hóa, thông thường dưới dạng tiền mặt gửi ngân hàng. Thông thường, hoạt động này sẽ gây khó khăn lớn cho các ngân hàng khi phải giải trình và báo cáo lại các cơ quan thẩm quyền nguồn gốc và giao dịch của một lượng lớn tiền mặt.

Bước 2:  Phân tán lượng tiền trên qua các giao dịch tài chính khác nhau để thay đổi hình thức tiền mặt và đồng thời phân tán sự chú ý của các cơ quan thẩm quyền.

Cụ thể trong hoạt động này, các giao dịch sẽ được tạo ra giữa các ngân hàng hoặc các tài khoản giữa các quốc gia khác nhau. Rất nhiều hoạt động giao dịch gửi tiền rút tiền sẽ được tạo ra nhằm thay đổi liên tục số dư tiền mặt cũng như các hình thức tài sản như nhà, du thuyền, xe hơi, trang sức…Mục đích của bước này là để việc theo dõi lượng tiền bẩn sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho các cơ quan quản lí.

Bước 3: Lượng tiền sau khi đã được phân tán sự chú ý sẽ quay lại hòa nhập cùng nền kinh tế và trở thành tiền hợp pháp. Nó có thể trở thành lượng tiền đầu tư vào một doanh nghiệp hay tiền bán tài sản như nhà, du thuyền, trang sức hay đơn giản trở thành hóa đơn mua sắm nguyên liệu vật tư cho công ty của chính đối tượng rửa tiền. Tại bước này, lượng tiền đã trở thành tài sản hợp pháp và nếu các nhà chức trách cần điều tra sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để truy xuất lại nguồn gốc của nó.

Những thủ đoạn rửa tiền

Có nhiều cách để rửa tiền, từ đơn giản đến phức tạp. Một trong những cách phổ biến nhất để rửa tiền là thông qua một doanh nghiệp hợp pháp.

Ví dụ, số tiền bất hợp pháp được đầu tư vào một công ty hợp pháp và sở hữu một chuỗi nhà hàng, mỗi ngày họ có thể khai khống số tiền thu được và tuồn tiền “bẩn” vào đó, sau đó đem gửi ngân hàng kiếm lời, nghiễm nhiên nó trở thành tiền hợp pháp.

Một hình thức rửa tiền phổ biến khác là chia nhỏ tiền mặt thành nhiều khoản tiền gửi nhỏ, thường trải ra trên nhiều tài khoản khác nhau, để tránh bị phát hiện. Rửa tiền cũng có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng trao đổi tiền tệ, chuyển tiền điện tử và “buôn lậu” hoặc buôn lậu tiền mặt, kẻ buôn lậu một lượng lớn tiền mặt qua biên giới để gửi tiền vào tài khoản ở nước ngoài, những nơi thực thi rửa tiền ít nghiêm ngặt hơn.

Các phương pháp rửa tiền khác liên quan đến đầu tư vào các mặt hàng như đá quý và vàng, tài sản quý giá như bất động sản, đánh bạc, làm giả và tạo ra các công ty vỏ bọc.

Các phương pháp rửa tiền truyền thống ngày càng tinh vi hơn cùng với sự ra đời của Internet đã tạo ra những “cơ hội” mới cho việc rửa tiền. Việc sử dụng Internet cho phép người rửa tiền dễ dàng tránh bị phát hiện. Sự nổi lên của các tổ chức ngân hàng trực tuyến, dịch vụ thanh toán trực tuyến ẩn danh, chuyển tiền sử dụng điện thoại di động và sử dụng tiền ảo như Bitcoin đã làm việc rửa tiền trở nên nhanh gọn và khó bị phát giác hơn nữa.

Các tổ chức chuyên rửa tiền online thường sử dụng máy chủ proxy và phần mềm ẩn danh thì gần như không thể phát hiện, tiền có thể được chuyển hoặc rút mà không có dấu vết của địa chỉ IP.

Cách mới nhất gần đây của chiến thuật rửa tiền đó là tiền điện tử. Các loại tiền tệ này đang ngày càng được sử dụng trong các hoạt động tống tiền, buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm khác do tính bảo mật giấu tên của chúng so với các hình thức tiền tệ khác.

Tiền cũng có thể được rửa thông qua đấu giá trực tuyến và bán hàng, trang web cờ bạc và thậm chí cả các trang web trò chơi ảo, nơi tiền tệ bị chuyển đổi thành tiền tệ trò chơi, sau đó được chuyển trở lại thành tiền thật, có thể sử dụng và không thể tiết kiệm.

Luật chống rửa tiền (AML) cập nhật tương đối chậm để có thể bắt được tội phạm rửa tiền Internet, vì hầu hết các luật AML đều cố gắng phát hiện ra tiền bẩn khi nó đi qua các tổ chức ngân hàng truyền thống. Các tổ chức quốc tế và chính phủ đang làm việc cùng nhau để tìm cách mới để phát hiện chúng.

Luật phòng chống rửa tiền tại Việt Nam

Tai Việt Nam, những khung khổ pháp lý về hoạt động phòng chống rửa tiền được cam kết gắn liền với những cơ sở pháp lý quốc tế. Đây là hoạt động thuộc trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ ràng được những nguy hiểm to lớn mà hoạt động rửa tiền đem lại cho quốc gia nói chung và nền kinh tế nói riêng, vì vậy khuyến khích các tổ chức và cá nhân tài trợ cho các hoạt động phòng, chống rửa tiền. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng : Bộ Công An,Ngân hàng nhà nước, Bộ Tư pháp…trong nhiều năm qua cũng mang lại những tí hiệu tích cực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gia nhập Nhóm châu Á- Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), trở thành quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo (Nhóm Egmont).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để tạo cơ sở cho hoạt động phòng chống rửa tiền. Vào ngày 07/06/2005, Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/08/2005. Đây cũng là văn bản pháp lý đầu tiên liên quan đến hoạt động rửa tiền và đi kèm là những đề xuất để loại trừ hoạt động này ra khỏi cộng đồng kinh tế Việt Nam.

Sau đó, những nghị định thông tư liên quan đến hoạt động chống rửa tiền cũng được các bộ liên quan ban hành rộng rãi:

  • Thông tư số 22/2009/TT-NHNN ngày 17/11/2009 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền
  • Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng
  • Thông tư số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, Quốc Hội đã ban hành Luật phòng chống rửa tiền để tạo lập hành lang pháp lí trong công tác phòng chống rửa tiền vào năm 2012 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 30/04/2019, Quyết định số 475/QĐ-TTg được ký bởi Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ và ban hành với mục tiêu thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm APG, đồng thời nâng cao uy tín vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Mức hình phạt cho tội rửa tiền tại Việt Nam

Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội rửa tiền như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chính sách phòng chống rửa tiền ở các nước khác

Hành vi rửa tiền là hành vi cực kì nguy hiểm tinh vi với tất cả các quốc gia trên thế giới, vì vậy hoạt động phòng chống rửa tiền đã được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia đã và đang phát triển, cụ thể:

Hàn Quốc

Chính Phủ Hàn Quốc đã tiện phong trong việc triển khai những giải pháp phòng chống rửa tiền (PCRT) vì quốc gia này đã nhận thức được những nguy hại của hành vi này từ rất sớm.  Từ năm 2002, quốc gia này đã gia nhập tổ chức quốc về về PCRT và tài trợ khủng bố (Egmont Group) và năm 2009 đã trở thành thành viên của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Ngoài ra, năm 2001 Hàn quốc đã ban hành Luật báo cáo tài chính với những giao dịch đáng ngiwf cũng như thành lập Đơn vị tình báo tài chính Hàn Quốc (KoFIU).

Năm 2013, các quy định xử phạt hành vi xử tiền cũng được điều chỉnh theo hướng tăng dần cùng với phạm vi báo cáo mở rộng hơn với các loại hình giao dịch và hành vi liên quan đến rửa tiền.

Nhật Bản

Đây là quốc gia có hệ thống PCRT từ rất sớm và bộ luật PCRT đã được thành lập vào năm 1992 để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho nền kinh tế. Bộ luật này theo thời gian được đổi mới và cập nhật liên tục để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng qua từng giai đoạn của quốc gia này. Hiện này, xu hướng phòng chống rửa tiền của Nhật bản được thực hiện qua từng bước cụ thể và nhờ thế, đất nước này dẫn đầu thế giới về PCRT.

Anh

Hiểu rõ được mức độ nguy hiểm của rửa tiền, năm 1990 nước Anh đã ban hành rất nhiều văn bản xung quanh hoạt động PCRT. Những hoạt động giao dịch tài chính tại nước này cần lưu giữ qua thời gian ít nhất 6 năm để phục vụ hoạt động điều tra để đảm bảo tối đa thời gian và tối thiểu cơ hội cho hoạt động phi pháp. Vì thế các nhân viên của các tổ chức tài chính cần hợp tác nghiêm chỉnh cùng cơ quan có thẩm quyền cũng như đảm bảo tính bảo mật thông tin khách hàng để tránh sự truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật

Mỹ

Đây cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong hoạt động xây dựng hệ thống luật pháp PCRT trên thế giới. Theo bộ luật tại quốc gia này, những chứng từ liên quan đến các giao dịch trên 10.000 USD cần được lưu giữ lại. Ngoài ra bộ luật nàu cũng quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động rửa tiền hoặc PCRT để đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt của người dân.  Trường hợp không tuân thủ luật pháp, ngoài việc xử phạt hành chính, người vi phạm có thể chịu án phạt lên đến nhiều năm tù giam.

Kết luận

Có thể thấy, phòng chống rửa tiền là hoạt động cần sự đồng long quyết tâm của mọi quốc gia trên toàn cần. Hoạt động này cần được đánh giá nghiêm túc trên phương diện từng quốc gia và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để xử lí dứt điểm.

Chia sẻ
icon f icon t icon tl

CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại website này. Đồng thời bạn có thể THAM GIA NHÓM THẢO LUẬN của chúng tôi để thảo luận thêm về những gì bạn đang quan tâm.

Facebook GroupTelegram

Bài viết liên quan

Fintech là gì? Kiến thức tài chính công nghệ mới nhất
ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu) là gì?
Lịch sử tiền tệ Việt Nam qua các thời kỳ

Sidebar chính

QUẢNG CÁO

BXB

Bitcoin Vietnam News © 2016-2021